Logo
Ngày 14/11/2020 Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD tổ chức Lễ ra mắt Dự án Tăng cường trợ giúp pháp lý và bảo vệ quyền của người khuyết tật trong lĩnh vực lao động, việc làm, y tế, giáo dục với sự tài trợ của Quỹ JIFF. Quỹ JIFF là một trong hai hợp phần của Chương trình tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE), do Liên minh Châu Âu tài trợ và Ban Thư ký Quỹ JIFF, đặt tại OXFAM quản lý thực hiện. 

Ảnh: Lễ ra mắt dự án
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, sửa đổi bổ sung 2017 là cơ sở pháp lý bảo đảm sự cam kết của Nhà nước bảo đảm quyền của người khuyết tật (NKT), góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 84/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Pháp luật về trợ giúp pháp lý của Việt Nam đã cụ thể hóa Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, bảo đảm cam kết người khuyết tật được tiếp cận hệ thống tư pháp một cách hữu hiệu và bình đẳng với những người khác, nhất là khi tham gia tố tụng.
Tuy nhiên, theo trang thông tin điện tử trợ giúp pháp lý Việt Nam (www.trogiupphaply.gov.vn) từ 2012 – 2019, cả nước mới chỉ có 0,33% tương đương 26.262 người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp pháp lý trong tổng số 8.000.000 người khuyết tật Việt Nam, còn tại Quảng Bình có 0,32% tương đương 143 người khuyết tật được trợ giúp pháp lý trong tổng số 45.000 người khuyết tật. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có tới 56.644 người khuyết tật (tính đến 31/5/2018), tuy chưa công bố số người khuyết tật được trợ giúp pháp lý, nhưng cũng tương tự như tình hình chung của cả nước. 
Qua thực trạng trên cho thấy, người khuyết tật, đặc biệt người khuyết tật là phụ nữ, trẻ em, dân tộc thiểu số vẫn chưa tiếp cận một cách đầy đủ chính sách trợ giúp pháp lý nên họ vẫn chưa hiểu đầy đủ các quyền của mình, đặt biệt là quyền trong lao động, việc làm, y tế, giáo dục và khi bị phân biệt đối xử họ sẽ cam chịu. Chính điều này đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến bình đẳng và hòa nhập của người khuyết tật.
Mặt khác, vẫn tồn tại một số vấn đề khiến cho việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật gặp nhiều khó khăn.
Ảnh: Một số khó khăn của người khuyết tật khi tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý
Dự án được triển khai tại TP.HCM và Quảng Bình với các mục tiêu (1) Nâng cao nhận thức của người khuyết tật và cộng đồng về quyền của người khuyết tật (2) Trợ giúp pháp lý miễn phí cho người khuyết tật thông qua các đội CTV tại địa phương dưới sự tư vấn của các luật sư (3) Nghiên cứu vận động chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật nhẹ.
Cũng trong buổi lễ ra mắt này người khuyết tật đã đưa ra rất nhiều đề nghị trợ giúp pháp lý xoay quanh các chủ đề không mới nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc: thủ tục làm giấy xác nhận mức độ khuyết tật, mức trợ cấp của từng nhóm đối tượng theo mức độ khuyết tật, độ tuổi, địa phương; điều kiện để người khuyết tật tham gia giao thông, tiếp cận giáo dục… Các câu hỏi được đưa ra và thảo luận đa chiều từ các cơ quan Ban ngành liên quan, các luật sư, các tổ chức xã hội, các giảng viên, nhà nghiên cứu và cả người khuyết tật đã có kinh nghiệm.
Ảnh: Lễ ra mắt dự án nhận được sự quan tâm của các cơ quan ban ngành, tổ chức, cá nhân
Đặc biệt, trong thời gian Covid-19 vừa qua thì vấn đề lao động, việc làm nóng hơn bao giờ hết. Theo quan điểm chung, người khuyết tật có những cơ hội bình đẳng như những lao động khác, họ vẫn cần trau dồi năng lực bản thân để đáp ứng những yêu cầu công việc, theo đó, sẽ không thiếu doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật.
Ảnh: Người khuyết tật đặt câu hỏi trong Lễ ra mắt dự án
Trong khuôn khổ dự án, người khuyết tật không chỉ được trợ giúp về những quyền của riêng người khuyết tật, mà còn được giải đáp các vấn đề lao động, việc làm, y tế, giáo dục, hôn nhân, đất đai, thừa kế… Để làm được điều này, dự án sẽ xây dựng các tài liệu truyền thông minh hoạ sinh động, phù hợp với đặc điểm của nhiều loại khuyết tật (khiếm thị, khiếm thính, …) và ứng dụng điện thoại D.Law, fanpage để người khuyết tật có thể thuận tiện nhất để nói lên nhu cầu của mình.
DRD Vietnam